Điều kiện để tư vấn tài chính cá nhân phát triển?

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay các công ty fintech đang cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm tài chính trực tuyến. Mô hình P2P (kết nối trực tiếp người đi vay và người cho vay trên internet) của các công ty fintech tạo điều kiện cho việc tư vấn tài chính cá nhân phát triển.

Khái niệm quản lý tài chính cá nhân tại Việt Nam đang ngày càng được biết tới rộng rãi, nhưng thiếu đi dịch vụ tư vấn tài chính chuyên nghiệp.

Mô hình P2P của các công ty fintech tạo điều kiện cho việc tư vấn tài chính cá nhân phát triển.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trên thị trường tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các sản phẩm tài chính, theo TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), hướng phát triển của tư vấn tài chính cá nhân trong thời gian tới cần:

Thứ nhất, đổi mới tư duy nhận thức về vai trò của tài chính cá nhân, nâng cao dân trí tài chính của người dân và hoạch định tài chính cá nhân. Cần phải thấy rõ, khâu yếu nhất trên phòng tuyến bảo vệ mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường tài chính ở nước ta hiện nay chính là tình trạng dân trí tài chính thấp và hoạch định tài chính cá nhân tự phát. Nâng cao dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân sẽ là một giải pháp chiến lược để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường tài chính ở nước ta hiện nay. Những người hiểu biết tài chính sẽ sử dụng nhiều sản phẩm tài chính hơn, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực tài chính, đóng góp một cách hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo.

Thứ hai, cần sớm ban hành các văn bản pháp luật nâng cao dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân, về dịch vụ tư vấn tài chính để tạo môi trường pháp lý thống nhất, hoàn thiện, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia một cách hợp pháp. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các cơ quan hữu quan cần ban hành, bổ sung và sửa đổi kịp thời các quy định, cơ chế chính sách có liên quan một cách kịp thời, trong đó có chú ý đến các yếu tố mới với sự xuất hiện của các công ty fintech…

Thứ ba, xây dựng chiến lược quốc gia về nâng cao dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân. Trên cơ sở Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cần xây dựng một Chương trình chiến lược quốc gia tổng thể, dài hạn về giáo dục nâng cao dân trí tài chính nói chung và hoạch định tài chính cá nhân nói riêng.

Nền tảng P2P Lending tại Việt Nam đang là lựa chọn được nhiều cá nhân doanh nghiệp lựa chọn, mô hình này thực tế đã mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả liên quan hoạt động tài chính. Dựa vào khả năng đánh giá tín nhiệm và đánh giá khả năng trả nợ của người vay tiền chuẩn xác hơn nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, hoạt động cho vay ngang hàng cũng có thể tạo cơ hội cho cả những người vay tiền không có tài sản bảo đảm tiếp cận tín dụng mà thường các tổ chức tín dụng sẽ từ chối cho vay. Do đó, có thể nói nền tảng này là công cụ tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và gia tăng trải nghiệm khách hàng, giúp khách hàng/doanh nghiệp giao dịch nhanh chóng, an toàn, thuận tiện với các dịch vụ phù hợp, chi phí hợp lý.

 

Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Share on telegram
Telegram

Tin liên quan