Vì sao cho vay ngang hàng bùng nổ trên thế giới?

Sự bùng nổ của các tổ chức cho vay ngang hàng trên thế giới được cho là mô hình thành công nhất của fintech – xu hướng mới kết hợp giữa công nghệ và tài chính.

Trong thời lãi suất thấp như hiện nay, người gửi tiền tiết kiệm chẳng thu được bao nhiêu lời lãi nếu đem tiền vào ngân hàng gửi. Ngược lại, người đi vay có lúc phải trả mức lãi suất lên tới 2 con số, đặc biệt trong trường hợp vay thẻ tín dụng.

Nghịch lý này tạo ra một thị trường màu mỡ cho những người muốn kết nối người dư thừa tiền với người cần tiền. Sự bùng nổ của các tổ chức cho vay ngang hàng (kết nối trực tiếp 2 người với nhau mà không cần qua các ngân hàng rắc rối) trên thế giới được cho là mô hình thành công nhất của Fintech – xu hướng mới kết hợp giữa công nghệ và tài chính. Cuối năm 2014, khi mà Lending Club (công ty cho vay P2P lớn nhất) niêm yết cổ phiếu, nhiều người thậm chí đã nghĩ đến bong bóng công nghệ của thời kỳ cuối những năm 1990.

Để hiểu hơn về mô hình này, có thể so sánh nó với những cái tên nổi đình nổi đám của nền kinh tế chia sẻ. Uber kết nối người có nhu cầu di chuyển với người có xe ô tô rỗi rãi, Airbnb kết nối người có nhu cầu về chỗ ở với người thừa chỗ, còn Lending Club kết nối người cần tiền với người thừa tiền.

Các công ty này đã làm thay vai trò của ngân hàng, tạo ra một hệ thống mà trong đó hai bên có thể trực tiếp liên lạc và thỏa thuận với nhau. Chúng chấm điểm tín dụng và thu phí cho việc kết nối, chứ không phải từ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động.

Hiện trên thế giới có 5 công ty lớn nhất: Lending Club, Prosper, SoFi (đều ở San Francisco), Zopa và RateSetter (ở London), tạo ra khoảng 1 triệu khoản vay. Ở châu Âu và Trung Quốc các mô hình này cũng phát triển khá mạnh mẽ dù với quy mô nhỏ hơn.

Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Share on telegram
Telegram

Tin liên quan